Tin tức nhà đất Lào Cai

Đặc sản Lào Cai những món ngon thu hút khách du lịch

26/09/2020 ,14:57

Đặc sản Lào Cai những món ngon thu hút khách du lịch. Lào Cai là vùng đất có nhiều nét truyền thống văn hóa độc đáo.Khi nhắc đến Lào Cai thì người ta liên tưởng ngay đến Sa Pa. Nơi đây là vùng đất được thiên nhiên ban tặng với những danh lam thắng cảnh mê hồn, nức tiếng không chỉ với du khách trong nước mà còn cả du khách quốc tế.

Để hiểu rõ văn hóa bản địa thì du khách cần phải đi sâu khám phá văn hóa ẩm thực của đồng bào nơi đây. Ẩm thực là nét văn hóa đặc trưng cho mỗi một vùng miền, một dân tộc, nó là thứ để phân biệt giữa vùng miền này với vùng miền khác. Vì mỗi một nơi có một gia vị cuộc sống khác nhau mà thể hiện rõ nhất là trong văn hóa ẩm thực tạo nên những đặc sản vùng miền rất riêng biệt.

Lào Cai được biết đến là một địa phương có rất nhiều những thắng cảnh đẹp, những địa danh du lịch hấp dẫn, những nét văn hóa truyền thống độc đáo và nhất là có rất rất nhiều đặc sản nức tiếng xa gần. Vậy nếu du lịch Lào Cai, bạn nênăn gì? Và mua gì làm quà để không phải hối tiếc cho chuyến đi? Hãy cùng khám phá nào!

Thắng cố

Thắng cố là một món ăn của người Mông ở miền núi phía Bắc, được làm từ xương gia súc (xương trâu, xương bò) ninh nhừ cùng thịt và lục phủ ngũ tạng của chúng. Nghe có vẻ lạ tai nhưng nếu các bạn có dịp ghé qua phiên chợ vùng cao, thưởng thức tô thắng cố ấm nóng mới thấy được cái ngon, Và sự độc đáo trong phong cách ẩm thực của người miền cao.

Hiện nay, thắng cố đã trở thành món ăn ngon, quen thuộc của các tộc người vùng cao. Khi trời càng lạnh thì thắng cố lại càng ngon, ngon hơn bình thường khi có thêm bát rượu ngô ấm nồng. Nhìn nồi thắng cố to khi sôi nổi lên những tảng thịt, tảng mỡ trông thật hấp dẫn. Đây là một món ăn nhiều đạm nhưng chỉ như vậy mới có thể làm ấm lòng những người đi chợ xa, nhất là vào những ngày đông lạnh giá.

Các quán thắng cố Sa Pa chế biến nguyên liệu rất cẩn thận. Các loại xương, thịt, ngũ tạng đều được làm sạch và để riêng từng loại. Nồi nước dùng được những người đầu bếp kỳ công chế biến, múc từng muỗng bọt đổ đi để nước xương thêm phần thanh và trong. Khi xương nhừ thì mới cho thịt vào nồi, đến khi thịt chín tới thì cho lòng, dạ dày, tim gan vào thì các nguyên liệu mới đảm bảo chín đều, không bị quá nát.

Món thắng cố ngày nay được bán phổ biến tại các nhà hàng ở Sa Pa có hương vị khác ít nhiều sơ với món truyền thống, nhất là ở trong các nhà hàng. Nồi thắng cố nay đã có nhiều thứ gia vị tẩm ướp trộn lẫn, nhất là vị ngọt của bột nêm, mỳ chính nên những hương vị truyền thống đã mất đi ít nhiều. Nhiều người đã cất công lên tận miền cao, tham gia những dịp chợ phiên mùa đông để có cơ hội thưởng thức thắng món thắng cố truyền thống, thơm ngon đúng điệu.

Bát thắng cố khi bưng ra được điểm những lát hành hoa thơm lừng. Với người Mông, thắng cố không chỉ là một món ăn ngon, thể hiện sự khéo léo, sành ăn mà còn chứa đựng những nét đẹp văn hóa của đồng bào dân tộc vùng cao. Các bạn đừng quên thưởng thức món ăn hấp dẫn này khi có dịp ghé qua Sa Pa nhé.

Rượu ngô Bắc Hà

Rượu ngô Bắc Hà cũng là một trong những sản vật độc đáo của vùng cao.Được chế biến từ những hạt ngô thơm ngọt, tuy nhỏ nhắn nhưng lại là nguyên liệu chính tạo ra những hũ rượu thơm ngon, nồng nàn. Đây cũng là một món đặc sản các bạn nên thưởng thức và mua .về để biếu người thân.

Rượu được nấu từ một nguyên liệu duy nhất là hạt ngô. Giống ngô này được trồng trên nương của người H’mông. Ngô nơi đây tuy nhỏ hạt nhưng lại rất chắc, có màu vàng tươi và giàu dinh dưỡng. Có lẽ do kết tinh từ hương đất trời của vùng núi cao heo hút nên những hạt ngô ấy mới có thể tạo ra được thứ rượu ngô tuyệt ngon. Để nấu được rượu ngon đúng chuẩn, người dân tộc còn phải kết hợp ngô cùng một loại men đặc biệt chế từ hạt hồng my (thứ hạt gần giống như hạt kê).

Điều đặc biệt nữa là uống rượu ngô khi say không hề thấy choáng váng đau đầu, rượu ngô còn là một bí quyết độc đáo để chống lại cái lạnh mỗi khi đông về của người vùng cao. Người dân tộc cho rằng ngô được trồng ở Bản Phố và chính rượu ngô Bản Phố không nơi nào sánh kịp.

Rượu rất nồng, rất nóng nhưng uống vào thì ngọt và thơm mùi ngô. Người ta nói rằng bản Phố (bản người H’mông Hoa cách Bắc Hà khoảng 4km) có một nguồn nước tinh khiết rất quý được lấy từ suối Háng Dế nên người dân bản mới cất được loại rượu ngon đến thế. Còn ngô thì trồng trên nương đem về luộc lên nhưng đừng luộc quá lửa, sau đó đem trộn cùng loại men hồng my đặc biệt, ủ trong thùng gang khoảng một tuần là dùng được. Trong những ngày đó, người ta cứ đốt lửa âm ỉ dưới thùng để hơi rượu bốc lên lắng tụ lại và chảy ra ngoài, cứ 10 cân ngô thì sẽ thu được 3 lít rượu. Ngày nay, người dân Bản Phố và cả Bắc Hà ít ai còn trồng loại cây hồng my đó nữa, rượu được ủ từ men tổng hợp nhiều hơn nên hương vị rượu không còn được nồng đậm như truyền thống nữa.

Rượu San Lùng

Rượu San Lùng là một trong những đặc sản của đồng bào vùng núi phía Bắc (Sa Pa – Hà Giang) với thành phần chính là gạo nương cùng một số loại thảo mộc vùng cao. Nếu có dịp đi qua Sa Pa, các bạn hãy mua chút rượu San Lùng về làm quà cho người thân.

Theo người Dao, đây là thứ rượu được mệnh danh là rượu tiên ban xuống dòng Pò Sèn quanh năm trong mát này. Khi thưởng thức, người ta sẽ thấy tinh thần nhẹ nhõm, sảng khoái chứ không cảm thấy đau nhức đầu như một số loại rượu khác. San Lùng có nghĩa là “Tam Long”, tức 3 con rồng. Theo truyền thuyết dân tộc Dao bản địa thì rượu San Lùng từng được nấu để cúng lên thần tiên, trời đất; vì vậy, rượu được nấu hết sức công phu, những giọt rượu ngon không chỉ mang ý nghĩa ẩm thực, mà còn mang ý nghĩa tâm linh và văn hóa.

Những loại thảo dược vùng cao cũng là yếu tố quan trọng khiến cho rượu trở nên thơm ngon và bổ dưỡng hơn. Lúa được dùng làm rượu San lùng là loại lúa được trồng trên các ruộng bậc thang. Điều đặc biệt, lúa được hái về sẽ đem ngâm nước đến khi nảy mầm rồi mới được đem vào hầm với lá thảo mộc để làm rượu.

Người Dao cho rằng, uống chút rượu vào buổi sáng sẽ khiến người ta cảm thấy khỏe khoắn, xua đi mọi mệt nhọc trong công việc. Các bạn lưu ý là không nên dùng rượu khi bụng đang đói, nếu muốn thưởng thức rượu buổi sáng thì trước đó các bạn nên dùng chút điểm tâm, nếu không thì sẽ không tốt cho sức khỏe.

Ngoài ra, rượu San Lùng còn có tác dụng chống lạnh, chữa cảm cúm, giảm đau nhức xương khớp, lưu thông huyết mạch… Giờ đây, xã San Lùng, huyện Bát Xát, Lào Cai đang là một điểm đến nổi bật, các bạn có dịp đến Sa Pa thì nhớ ghé qua xã San Lùng để chiêm ngưỡng vẻ đẹp núi rừng, tham quan nhà người dân miền núi và thưởng thức loại rượu San Lung tuyệt hảo này.

Rượu táo mèo

Quả táo mèo giờ đã không còn xa lạ gì với người dân miền xuôi, đến mùa táo, dường như các bạn có thể dễ dàng bắt gặp những thúng táo mèo vàng ươm ở bất cứ đâu. Nhiều người cho rằng, táo mèo (hay còn gọi là quả sơn tra) có nguồn gốc từ xã Nậm Khắt, huyện Mù Căng Chải. Cây mọc hoàn toàn tự nhiên, không cần phải gieo trồng hay mất công chăm bón, đến mùa táo cho quả thì cây nào cũng sai trĩu cành. Người dân tộc đem ngâm quả táo mèo với rượu thành một thức uống bổ dưỡng mang tên: rượu táo mèo.

Rượu táo mèo được coi là một trong những thức uống độc đáo của vùng Sa Pa. Quả táo mèo được ngâm ủ rất kỹ để chế ra rượu. Nếu như là lần đầu tiên uống rượu táo mèo, các bạn sẽ tưởng như uống một loại nước giải khát có ga quen thuộc, nhưng uống nhiều thì các bạn có thể dễ bị say. Ở vùng núi Sa Pa này, cây táo mèo thường mọc hoang rất nhiều trên các dãy núi Hoàng Liên Sơn.

Quả táo mèo thường đơm hoa vào cuối mùa xuân (khoảng từ tháng tư hàng năm), vì thế từ tháng tám đến tháng mười là các bạn đã có thể mua những mẻ rượu táo mèo mới ngâm về để thưởng thức hay làm quà cho người thân. Ngoài việc được coi là thức uống giải khát, giúp ăn uống ngon miệng, rượu táo mèo còn có rất nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe như chữa đầy bụng, giúp hạ mỡ máu, tốt cho gan, bảo vệ tim mạch và đặc biệt là hỗ trợ giảm cân.

Lợn cắp nách

Nếu các bạn có dịp đến phiên chợ vùng cao Lào Cai, chắc chắn các bạn sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh người dân địa phương bày bán những con lợn có trọng lượng không lớn, thường được cho vào gùi hay xách tay, thậm chí cắp vào nách di chuyển cho tiện… Vì vậy, tên gọi: Lợn “cắp nách” có lẽ bắt nguồn từ những sự việc này.

Lợn cắp nách là một món ăn đặc biệt tại Sa Pa, ở nơi đây, những chú lợn vốn không cần phải chăm sóc hay ăn cám tổng hợp mà người ta để chúng tự kiếm thức ăn cho mình như các loại rau dại trong vườn, trong rừng, thậm chí là ngô, khoai, sắn. Những chú lợn đó do sớm phải thích nghi với môi trường sống nên có sức đề kháng tốt và rất khỏe mạnh.

Lợn “cắp nách” thường được nuôi thả khoảng trên dưới một năm, mặc dù điều kiện sống có tốt, lợn có nhanh đến mấy cũng chỉ trên dưới 20kg là cùng. Hiện nay, những phiên chợ vùng cao như Mường Hum, Sín Chéng, Bắc Hà… đều có rất nhiều lợn “cắp nách” được bà con các vùng mang ra bán.

Người ta có thể chế biến lợn “cắp nách” thành nhiều món ăn hấp dẫn, nhất là món lợn quay. Đầu tiên, lợn được làm sạch, tẩm ướp rồi để nguyên con mà nướng hoặc quay trực tiếp trên bếp lửa. Nhìn miếng thịt mỏng tang,bì lợn giòn tan, thịt nạc mềm, ngọt lịm. Vì không phải là lợn nuôi, đặc biệt thức ăn của những chú lợn vùng cao này chỉ toàn cây cỏ, ngũ cốc tự nhiên chứ không phải cám tổng hợp nên thịt của chúng rất chắc, thơm và ngọt.

Cá hồi Sa Pa

Cá hồi trước giờ được coi là loại thực phẩm cao cấp và đắt tiền bởi những giá trị dinh dưỡng kỳ diệu và đặc biệt là loài cá này chỉ sống được trong môi trường nước sạch và khí hậu mát mẻ. Ở Sa Pa có món cá hồi nướng hay lẩu cá hồi rất ngon, các bạn đừng quên thưởng thức nếu có dịp đến đây.

Với khí hậu quanh năm mát mẻ và một mùa đông lạnh thậm chí có cả tuyết bao phủ, cá hồi Sapa có thịt chắc , không có mỡ, rất thích hợp để chế biến thành nhiều món khác nhau như nướng, sashimi (gỏi cá kiểu Nhật), chiên xù, hấp, nấu cà ri… Nổi bật nhất vẫn là lẩu cá hồi và gỏi cá hồi. Hầu như nhà hàng nào ở Sa Pa cũng có món cá hồi nhưng bạn nên chọn các quán chuyên cá hồi để chọn cá tươi ngon và chế biến cũng chuyên nghiệp hơn.

Mình rất thích ăn sashimi cá hồi trên Sapa, cảm nhận đầu tiên là sự tươi mát trong từng miếng cá, thịt cá thơm và chắc chứ không bị bở và nhạt như cá hồi đóng hộp. Trong cái lạnh của Sapa, thưởng thức nồi lẩu cá hồi bốc hơi nghi ngút cũng là một điều vô cùng thích thú. Bên cạnh nồi lẩu là những loại rau rừng tươi ngon, ăn rất hợp với những miếng cá hồi ngọt bùi, hấp dẫn.

Thịt trâu gác bếp

Nêu các bạn là tín đồ cuồng nhiệt của món thịt bò khô thì món thịt trâu gác bếp của đồng bào dân tộc vùng cao sẽ khiến các bạn trở nên thích thú nếu có dịp thưởng thức.

Thịt trâu gác bếp là món ăn độc đáo của vùng Tây Bắc, đặc biệt là trong văn hóa ẩm thực của người Thái đen. Món thịt này thường được làm từ bắp của những chú trâu, bò nhà thả rông trên các vùng núi đồi Tây Bắc. Khi làm, người ta lóc các thớ thịt ra thành từng miếng kiểu con chì và thái dọc thớ,  rồi tẩm ướp bằng các loại lá rừng cùng các loại gia vị như sả, ớt, gừng và mắc kén – một loại hạt tiêu rừng của người dân tộc thiểu số vùng cao, rồi xâu thành từng xiên, treo lên cao và dùng than củi hun cho thịt chín săn lại. Với miếng thịt trâu thành phẩm, mùi khói gần như vẫn còn nguyên, song lại không gây khó chịu. Cách chế biến độc đáo này khiến cho miếng thịt trở nên thơm ngon hơn và bảo quản cũng được lâu hơn.

Thanh thịt đỏ sậm tuy bên ngoài khô ráo nhưng bên trong ngọt mềm và vẫn giữ được hương vị đặc trưng của thịt trâu. Từng thớ thịt qua thời gian càng trở nên đậm đà, cộng với vị cay, thơm của các gia vị, quyện với mùi khói om khiến món ăn càng trở nên đặc biệt. Khi thưởng thức, các bạn nên giã nhẹ miếng thịt trâu để nó trở nên mềm hơn rồi xé nhỏ như mực nướng, chấm với chút tương ớt cay để gia tăng hương vị.

Ngày nay, khi mức độ giao lưu văn hoá giữa các dân tộc ngày một phát triển, thịt trâu gác bếp không chỉ bó hẹp trong bữa ăn của người Thái mà còn theo chân những vị khách đến khắp mọi miền. Các bạn có thể tìm mua thịt trâu gác bếp ở bất cứ đâu.

Cơm lam

Đi du lịch Lào Cai cũng không thể bỏ qua đặc sản dân dã, bình dị đó là cơm lam được nấu bởi những hạt gạo thơm ngon nhất trồng trên những thửa ruộng bậc thang hùng vĩ ở Sapa, Bát Xát, Bắc Hà…

Cơm lam được nấu từ gạo bỏ vào trong ống nứa rồi nướng trên than hồng, vừa có vị ngọt, thơm của gạo nếp nương vừa có vị thơm của ống nứa, than hồng rực. Suốt quá trình nướng trên than, phải xoay cho đều ống nứa sao cho cơm chín đều mà không bị cháy cũng không bị sống. Cơm lam lúc tách ra khỏi ống nứa vừa dẻo, vừa thơm, lại vừa mịn như là giò lụa, để được cả tuần vẫn cứ dẻo thơm.

Ăn cơm lam để cảm nhận y nguyên vị ngọt thơm của những hạt gạo được tạo nên bởi tinh túy của đất trời và những đôi bàn tay cần cù của những người quanh năm miệt mài trên những thửa ruộng.

Đào Sapa

Đào Sapa, mận Bắc Hà là câu nói nổi tiếng, quen thuộc ở rất nhiều nơi bởi sự nổi tiếng thơm ngon của hai đặc sản này. Đào Sapa chín vào tháng 6 và chỉ đến giữa tháng 7 là hết vụ. Đào Sapa có nhiều loại như đào H’mông, đào Vàng, đào Pháp, đào Vân Nam… nhưng ít ai biết đến những cái tên ấy mà thường chỉ gọi chung là “đào rọ” vì cứ khi vào mùa, lúc những trái đào chín lúc lỉu trên cành thì người dân thường hái đào và bỏ chúng vào một cái rọ sau đó bày bán ở các chợ, ven đường…

Mọc cốm đặc sản người Tày

Nói đến cốm thì người ta nghĩ ngay đến làng vòng, nhưng  ở đây là nói đến cốm nếp nương. Trời mang đến cho vùng Tây Bắc sự khó khăn, hiểm trở từ núi rừng thì cũng ban phát cho nơi đây nguồn thực phẩm độc nhất đó là Nếp Nương. Nếp Nương không giống với bất cứ loại nếp nào mà người vùng suôi được ăn từ trước tới nay. Hạt nếp nương to tròn, thơm thanh nhè nhè như hương hoa của núi rừng. Khi hạt chín, lấy tay hua nhẹ qua từng ngọn lúa sẽ phảng lên một mùi hương rất riêng.

Mùa nếp nương bắt đầu thì cũng là mùa Cốm nếp nương được ra đời. Sự dẻo dai, thơm thanh của hạt nếp nương đã giúp cho bà còn vùng cao tạo ra món Cốm nếp nương độc đáo. Khi bỏ hạt cốm vào miệng cảm giác thơm thanh của hạt cốm xộc lên mũi nghe thanh thanh như hít hà mùi gió của núi rừng. Ăn hạt cốm mềm dẻo ngọt nhẹ nơi đầu lưỡi thật khiến người ăn không thể không nhớ đến.

Để làm món cốm nếp nương đầu tiên phải chọn hạt lúa nếp nương ngon, chắc mẩy rồi đêm sấy thật khéo trong lò riêng. Sấy xong sẽ được cho vào máng, dùng chày giã bằng tay chừng 4 lượt là được.

Người Tày thường chế biến cốm theo những cách phổ biến như cơm cốm, cốm ép và mọc cốm. Theo những người phụ nữ Tày, sau khi giã cốm xong, xảy hết cám, tấm, trấu thì được hạt cốm nguyên. Người ta thường dùng tay nắm lại thành khối sao cho khi buông tay nó lại tự bung ra thì cơm cốm mới ngon và đạt chuẩn.

Cốm ép được để vào lá dong, dùng nước nóng hoặc nước luộc vịt tưới ướt đều rồi gói lại, đặt lên tấm ván, đè một tấm ván nữa ở trên. Người ta dùng sức hai cánh tay ép mạnh hoặc dùng sức nặng, có khi ngồi hẳn lên tấm ván một lúc, cho gói cốm hình vuông dẹt mỏng, thành từng lớp, quyện chặt với nhau.

Món mọc cốm được coi là cầu kỳ và hấp dẫn hơn cả. Người ta làm mọc cốm bằng cách lấy phần thịt lẫn da dày mỡ của một con vịt béo, thái từng miếng mỏng và dài, phần cổ, xương sống, cánh, xương… đem băm viên nhuyễn, dùng làm nhân, xào cho chín tới. Tiếp đó, người ta cho cốm vào lá dong, cho nhân vào giữa khối cốm, túm lá lại, dùng lạt buộc, rồi cho vào nồi hấp cách thủy hoặc xếp vào chõ đồ để các hạt cốm ngấm gia vị, dẻo dính liền nhau, tạo nên sự hấp dẫn cho món ăn.

Mận hậu Bắc Hà

Chắc hẳn không ai không biết đến sự nổi tiếng của Mận hậu Bắc Hà. Đây là loại mận mà thiên nhiên ban phát riêng cho vùng núi nơi đây. Quả mận hậu có vị chua ngọt khác hẳn với những loại mấn có trên Việt Nam. Ngoài ra cấu tạo của mận Bắc Hà cũng khác so với mận vùng khác bởi quả mận khi cắn với sự giòn thanh, ngọt hậu. Đây là điều mà hầu như những giống mận vùng khác không có được.

Vào mùa mận chín, được ăn một quả mận Hậu từ trên cây chẳng khác nào giữa trưa hè được đằm mình trong dòng suối mát. Chính vì thế mà mùa mận chín người ta thường kéo lên Bắc Hà du lịch, ăn mận, chụp hình.

Mùa mận ra hoa:Mận chín có mùa, nhưng không phải chỉ mùa mận chín mới đẹp. Nếu quý vị đi lên Bắc Hà vào tháng giêng Âm Lịch đổ đi, sẽ thấy một cảnh tượng hiếm có, khi ấy cả thung lũng Bắc Hà đã phủ trắng màu của hoa mận. Vẻ đẹp tinh khôi, trong trắng của hoa mận cũng là sẽ khiến du khách thấy nao lòng. Chụp một bức tranh với bạt ngàn hoa mận trắng chính là dấu ấn đặc biệt của vùng đất nơi đây.

Mùa mận chín: Những chùm mận chín lấp lo trên sườn đồi cùng khung cảnh nắng nhẹ của tháng 6-7 sẽ khiến bạn nao lòng đến lạ. Không khi se lạnh, đặc biệt của tiết trời Bắc Hà chính là điểm nhấn cho những cặp đôi muốn khám phá nét riêng vùng trời Tây Bắc.

Rau cải mèo

Ở Lào Cai có một loại rau gắn liền với và con người dân tộc đó là Rau cải mèo. Cải mèo là loại rau riêng chỉ những vùng đồi núi Tây Bắc mới có. Sau này du nhập xuống đồng bằng như vị của cải không được ngọt và thanh mát như trồng trên vùng cao nữa. Chính vì thế mà cải mèo Lào Cai cũng là một món ăn đặc sản rất riêng nơi đây. Du lịch Lào Cao mà không nếm Cải mèo quả là sự thiếu sót đáng tiếc.

Cải mèo thuộc hàng rau có bẹ, lá dài, có màu xanh đậm, viền lá xoăn như có gai, có loại có lông và có loại thân trơn không lông. Cải mèo được trồng nhiều ở các khu vườn vùng cao của người Mông và trở thành thức ăn chính của họ hàng ngày.

Theo kinh nghiệm của người Mông thì loại rau cải mèo nhỏ với lớp lá có lông li ti màu trắng thì chế biến ngon hơn loại lớn. Người dân địa phương có thói quen không trồng rau thành hàng luống mà cứ rải hạt giống ra ven nương, đồi để mọc tự nhiên, vì lẽ đó mà cây cứ thế lớn lên, xanh tốt.

Nấm chân chim đặc sản Bắc Hà

Nấm chân chim còn gọi là nấm phiến chẻ – một sản phẩm độc đáo chỉ có ở Bắc Hà (Lào Cai) nên các bạn rất khó tìm thấy ở vùng miền khác. Nấm không những có giá trị dinh dưỡng cao mà còn là một loại dược liệu quý. Nhìn bề ngoài của nấm khá dễ nhận biết ở chỗ chúng không có cuống, mũ dạng quạt – vỏ hến, có lớp lông mịn màu trắng xám phủ ngoài, mép mũ hơi cuộn vào trong. Thịt nấm có màu trắng, mặt dưới là những phiến nấm, khi non thì có màu trắng, khi già thì chuyển màu hồng thịt. Ngoài giá trị dinh dưỡng cao, nấm ăn rất ngon bởi vị thơm ngọt đặc biệt. Nếu các bạn ghé qua Sapa vào mùa hè, thăm chợ Bắc Hà thì nhớ mua ít nấm chân chim về làm quà nhé.

Thịt gừng Nùng Dín đặc sản Bắc Hà

Phiên chợ Bắc Hà có nhiều sản vật độc đáo của người miền cao, trong đó mình rất ấn tượng với món thịt gừng của người Nùng Dín. Đúng như tên gọi, đây là món ăn được chế biến với rất nhiều gừng nên mùi thơm rất đặc trưng, ăn vào mùa lạnh rất thích.

Hàng năm, mỗi dịp Tết đến, người Nùng Dín lại mổ lợn đón xuân. Nhà nhà đều chuẩn bị thịt để chế biến các món ăn cho mấy ngày Tết. Ngoài món thịt làm nhân bánh thì người Nùng Dín còn làm thêm món thịt gừng (hay còn gọi là nứt sinh theo tiếng Nùng Dín). Thịt gừng đơn giản, dễ chế biến nhưng lại chứa đựng những hương vị rất độc đáo.

Để làm món thịt gừng, người dân ở đây đã tận dụng tất cả các loại xương từ xương sống, xương sườn đến thủ tươi nguyên (không rửa qua nước) đem băm nhỏ. Tiếp đó, người ta phải giã nhỏ rất nhiều gừng và vắt bớt nước. Đem trộn tất cả xương băm, gừng, muối cùng nhau và bóp thật nhuyễn. Khi bóp, pha thêm một chút rượu vừa phải để bảo quản và giữ được hương vị của thức ăn được lâu hơn. Thịt được cho vào chum có men bóng rồi đổ nước, giữ nhiệt độ để thức ăn không bị chuyển màu. Cuối cùng dùng tấm ni lông đậy kín miệng chum buộc chặt, khi dùng mới lấy ra chế biến.

Người Nùng Dín thường ăn món này theo hai cách: Hấp hoặc nấu. Nếu hấp thì cho thêm nước, hạt tiêu, rau thơm để món ăn toả mùi thơm hấp dẫn hơn. Còn nếu nấu thì đổ thêm một lượng nước tương ứng với lượng thức ăn đun chín tới, cho thêm gia vị, hạt tiêu hoặc rau cần tây. Nếu không ăn được xương thì có thể trộn cơm với nước thịt này cũng rất ngon miệng.

Thịt lợn muối vùng cao

Từ lâu, thịt lợn đã được biết đến là một món ăn quen thuộc dân dã với người dân Việt Nam và cũng là một thứ thực phẩm có nhiều cách chế biến thành các món ăn nhất. Ở miền cao Sapa có món thịt lợn muối rất thú vị, ngoài vị béo của thịt thì món ăn này còn nổi bật mùi thơm của các loại lá gia vị nữa.

Thịt lợn muối được người dân vùng cao chế biến hết sức đơn giản với những gia vị có sẵn như lá quế, lá mít, lá trầu không, ớt tươi, riềng và rượu cái nếp. Các loại lá này đem phơi khô và giã nhỏ, còn thịt lợn được thái vừa miếng rồi đổ rượu cái ướp cùng muối thật đậm, trộn lẫn các loại lá gia vị khô được giã nhỏ. Cuối cùng, người ta cho thịt vào hũ hoặc lọ từ một đến hai tuần là sử dụng được.

Thịt lợn muối khi ăn có thể chế biến bằng cách đem rang hay nướng tuỳ khẩu vị của từng gia đình. Khi ăn, các bạn sẽ cảm nhận được vị cay của riềng và ớt, vị thơm của quế, vị hơi chát của lá mít và lá trầu không. Đồng thời, vị chua hòa lẫn vị mặn của từng miếng thịt muối cùng độ giòn và rắn chắc rất ấn tượng.

Thịt lợn muối đặc biệt làm giảm đi độ béo và ngấy của mỡ. Tuy là một món ăn bình dị nhưng nhưng luôn được người dân vùng cao dành để tiếp đãi khách quý như một món ăn truyền thống và thể hiện tình cảm chân thành của đồng bào đối với những người khách đến thăm.

Nem măng đắng người Tày

Nem măng đắng được làm từ những chiếc măng vầu đắng, đem luộc chín rồi lột lấy những tấm lá bánh tẻ mềm và dai. Điều đặc biệt, măng được dùng như chiếc bánh đa nem thông thường trong món nem rán ở miền xuôi.

Phần nhân của nem măng đắng được làm từ thịt gà băm nhỏ. Muốn có món nem ngon thì phải chọn loại gà tơ, trọng lượng không quá to. Thịt và xương đem băm nhỏ cùng củ kiệu, lá hẹ và các gia vị như hạt tiêu, nước mắm. Tất cả phần nhân được gói trong lá măng đắng rồi đem rán vàng. Món đặc sản này từ lâu chỉ được chế biến để phục vụ các bữa cỗ truyền thống trong làng bản. 

Xôi bảy màu Nùng Dín

Đến Lào Cai, các bạn sẽ dễ dàng bắt gặp những thúng xôi bảy màu thơm dẻo và rực rỡ. Trông những thúng xôi rất bắt mắt với nhiều màu sắc sặc sỡ nhưng hoàn toàn được làm bằng những nguyên liệu dễ kiếm từ cỏ cây, hoa lá. Vì vậy, các bạn đừng ngần ngại mà hãy mua ngay cho mình một gói xôi bảy màu để thưởng thức chút hương vị giản dị của người miền cao.

Xôi bảy màu là món ăn của người Nùng Dín (Mường Khương, Lào Cai). Món ăn này trước đây chỉ có trong những ngày lễ Tết. Với giá trị ẩm thực mang yếu tố tâm linh sâu sắc, mỗi màu xôi là màu của một tháng trong cuộc chiến diễn ra từ tháng 1 đến tháng 7 năm xưa.

Người vùng cao cho rằng màu xanh lá chuối là màu của mùa xuân, màu đỏ thẫm là biểu tượng cho máu của những người đã anh dũng hi sinh tại nơi đây, màu vàng biểu tượng cho sự đau thương li tán, màu đỏ tươi chính là biểu tượng cho chiến thắng hào hùng của người Nùng Dín…

Một trong những điều đặc biệt mang lại sự khác lạ cho món xôi này chính là sự kết hợp khéo léo giữa màu sắc mà chỉ có những người phụ nữ Nùng Dín mới có thể tạo ra. Họ không dùng bất cứ thứ phẩm màu tổng hợp nào, chỉ tận dụng lá cây đỏ đen, cây hoa vàng, lá cảm hay nghệ.

Để nấu xôi, người ta chọn gạo nếp nương trồng trên những nương rẫy, hạt to tròn và hương thơm ngọt ngào, hấp dẫn. Gạo được đem ngâm kỹ, đãi sạch, ướp màu rồi đồ trong chừng 2 giờ. Với kinh nghiệm lâu năm, người Nùng Dín không cho muối vào gạo khi nấu để giữ màu xôi luôn tươi. Người Nùng Dín quan niệm rằng các ngày lễ, tết nếu ăn xôi bảy màu thì mọi điều may mắn, tốt lành sẽ đến. Giờ đây, xôi bảy màu được bán rộng rãi cho khách du lịch ở Sa Pa, các bạn có thể dễ dàng tìm mua xôi bảy màu và thưởng thức “tác phẩm màu sắc” độc đáo này. Xôi bảy màu thường ăn kèm với muối vừng đen hay “sang chảnh” hơn là với thịt gà rừng nướng.

Su su Sa Pa

Hiện nay, vùng trồng quả su su ở huyện Sa Pa khá rộng lớn, trong đó sản xuất tập trung trong vùng Ô Quy Hồ, khu Vi-ô-lét (thuộc thị trấn Sa Pa). Với điều kiện đất đai, khí hậu phù hợp nên đây là điều kiện lý tưởng giúp những người trồng rau ở Sapa phát triển cây su su với chất lượng tuyệt hảo nhất.

Điều đặc biệt là su su Sa Pa được trồng ở độ cao 1.500 mét, trồng trên đất mùn núi cao màu mỡ, chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn nên cây su su Sapa có vị ngọt và độ giòn đặc trưng. Rau su su vì thế mà chất lượng cũng rất tốt, ít dùng các loại thuốc bảo vệ thực vật hay chất kích thích sinh trưởng nên ngọn bé mà rất ngọt.

Tương ớt Mường Khương

Ở huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai trồng một loại ớt thóc, quả nhỏ, chín đỏ có vị cay và thơm đặc trưng ít nơi nào có được. Khi ớt đã chín, người dân ở đây đã chế biến những quả ớt tươi thành dạng tương ớt, ăn có vị cay đậm đà, thơm vị thơm của ớt và các loại gia vị khác, rất đặc biệt và hoàn toàn khác với những loại tương ớt ở những địa phương khác.

Nguyên liệu làm nên tương ớt Mường Khương gồm ớt thóc, tỏi, hạt thì là, hạt rau mùi, thảo quả, muối, rượu, quế, hạt dổi… có hương vị rất thơm, màu đỏ tươi đặc trưng, dùng làm gia vị trong các bữa ăn nhất là ngày lạnh thì rất tuyệt.

Thổ cẩm ở Lào Cai

Nếu đến Lào Cai, nhất là ở Sapa hay Bắc Hà thì  bạn đừng ngần ngại mà hãy mua cho mình những tấm thổ cẩm rực rỡ màu sắc, có rất nhiều họa tiết độc đáo. Bạn cũng có thể mua những đồ lưu niệm như túi xách, ví, mũ, áo, khăn… được may từ thổ cẩm cũng cực kỳ đẹp mắt.

Ở chợ Sapa hay chợ phiên Bắc Hà (họp chủ nhật hàng tuần) là những phiên chợ rất náo nhiệt với những hàng thổ cẩm đông đúc. Du khách Việt Nam và du khác nước ngoài rất nhanh chóng sẽ bị thu hút bởi những sắc màu của những tấm vải thổ cẩm, balo, túi xách… Mẫu mã khá phong phú, kiểu dáng đẹp và tiện ích cho bạn lựa chọn thoải mái với giá cả cũng rất phải chăng.

Trên đây là những đặc sản của và những nét văn hóa đặc trưng của Lào Cai. Để biết thêm về các điểm đến hấp dẫn tại Lào Cai. Các bạn có thể tìm đọc các điểm du lịch hấp dẫn đi mòn dép không chán ở Lào cai  Xin chân thành cảm ơn các bạn đã ủng hộ và đón đọc các bài tin tức của datviet24h.com.vn